Hành trình về nguồn, Hành trình của sự biết ơn

Ngày 29/4/2022, thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng, Chi đoàn Cục QLTT thành phố Hải Phòng tổ chức chuyến tham quan thực tế “Hành trình về nguồn” nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và 67 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2022).

Tham gia Hành trình có đồng chí Vũ Văn Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cục; các đồng chí Ủy viên BCH Chi đoàn và hơn 20 đoàn viên Chi đoàn Cục QLTT thành phố Hải Phòng.

Điểm đến đầu tiên, đoàn viên Chi đoàn được tham quan và dâng hương tại Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Tại đây, đoàn viên Chi đoàn đã được xem những thước phim quý báu về lịch sử và cuộc đời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Đồng chí là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính, là tấm gương sáng về đạo đức cao quý của người cộng sản, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Điểm đến tiếp theo của “Hành trình về nguồn” là Khu di tích lịch sử Bạch Đằng – địa danh đã đi vào lịch sử với 03 trận thủy chiến chống quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền; cùng với trận địa cọc gỗ là minh chứng hào hùng về sự kết hợp giữ sức mạnh và trí tuệ, tinh thần đoàn kết, tài thao lược của bậc tiền nhân “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Kết thúc Hành trình, đoàn viên Chi đoàn đã đến dâng hương tại tượng đài kỷ niệm di tích đường Hồ Chí Minh trên biển và thăm quan, tìm hiểu lịch sử tại bến tài không số Hải Phòng, K15 tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại Bến K15, ngày 11/10/1962, một con tàu gỗ thực hiện “chuyến hàng” đầu tiên, chở 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày trên biển đã đến căn cứ Vàm Lũng (Rạch Gốc – Cà Mau) an toàn. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu khả năng thiết lập một con đường vận tải chiến lược trên biển để nối liền hai miền Nam Bắc là hoàn toàn có thể. Bến K15 vì thế đã trở thành nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của “Đoàn tàu không số”. Cũng từ đó, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, quân và dân có thêm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để thực hiện nhiệm vụ “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Di tích bến tàu K15 hùng dũng, uy nghiêm chính là biểu tượng anh hùng, ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa. Năm 2008, bến tàu K15, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

“Hành trình về nguồn” – chương trình ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Đoàn viên, góp phần phát huy long tự hào truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc. Thông qua chuyến đi đã tạo sự gắn kết giữa các Đoàn viên trong Chi đoàn trao đổi, học tập kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong đoàn thể. Bên cạnh đó, chuyến đi lần này cũng mang lại những kiến thức lịch sử cách quý báu và nhiều ý nghĩa cho Đoàn viên, tạo không khí vui tươi phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết, từ đó tạo động lực mạnh mẽ để mỗi Đoàn viên thanh niên ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hà My
Cục Quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng